Khảo mộ họ Lê ở Diễn Châu – Nghệ An

 

Doanh nhân Lê Thanh Thản – người luôn đau đáu với quê hương

Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1971 ông xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ở cùng sư đoàn 324 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, người lính Lê Thanh Thản trở về quê, mẹ ông thấy ông về tưởng như là “hồn ma” vì mấy năm đi bộ đội dường như ông bặt vô âm tín. Sau chiến tranh Diễn Lâm nói riêng, Diễn Châu và cả Nghệ Tĩnh nói chung có thể nói là vui và đói, đa số các nhà trong xóm ông Thản bị thiếu đói trầm trọng. Anh Thản vừa giúp gia đình cày cuốc, tăng gia sản xuất, vừa tham gia công tác đoàn tại xã Diễn Lâm, từ Bí thư chi đoàn lên tới Bí thư đoàn xã (mới đây nhất vào ngày 28/7/2017, ông đã tiếp một số anh em cán bộ đoàn cùng thời với ông và kể chuyện rất vui về những ngày ông Thản làm Bí thư đoàn xã Diễn Lâm đã nóng tính và xin gạo của xã như thế nào để nuôi đoàn viên thanh niên đi tình nguyện). Hồi đó, xã Diễn Lâm là xã miền núi, nhưng phong trào đoàn dưới sự lãnh đạo của anh Lê Thanh Thản đã phát triển rất mạnh, đóng góp tích cực cho xã nhà. Anh Thản vì thế lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo huyện Diễn Châu.

Năm 1978, anh Thản được Lãnh đạo huyện điều về huyện học tại trường đảng Lê Hồng Phong. Và sau khi tốt nghiệp trường này ông được giới thiệu để Trung ương phân công chi viện cho tỉnh Lai Châu, một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải đấu tranh với âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, có thể dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Anh được phân công về Văn phòng tỉnh ủy Lai Châu, và năm 1984 Lê Thanh Thản được cử làm Phó văn phòng huyện ủy.

Đầu năm 1986, tại Lai Châu, Lê Thanh Thản lập xưởng sản xuất vật liệu xây dựng sản xuất vôi, gạch, ngói xi măng cung cấp cho bà con miền núi và các cơ quan có nhu cầu. Ông cũng thành lập tổ xây dựng nhận các công trình. Thời kỳ này cực kỳ khó khăn về vốn, dân miền núi nghèo, họ không có tiền mặt. Lê Thanh Thản đã áp dụng cơ chế linh hoạt.

Lúc đó, cửa khẩu Tây Trang tuy heo hút nhưng lại có vai trò rất quan trọng với nước bạn Lào, đặc biệt là với tỉnh Phongsaly cực Bắc nước này. Từ Tây Trang, theo quốc lộ 42 của Lào vượt qua gần 200 cây sẽ tới cố đô Luông Pha Băng của Lào. Đi tiếp với quãng đường tương tự sẽ tới Bò Kẹo, sang đất Chiang Rai của Thái Lan.

Là tỉnh miền núi heo hút của Lào nên hầu hết những hàng hóa tiêu dùng cơ bản đều được cấp từ Việt Nam sang qua cửa khẩu này. Mùa mưa 1995 toàn bộ tuyến đường 70 km từ cửa khẩu Tây Trang đi Mường Khoa bị lở núi, tê liệt giao thông hoàn toàn, hàng hóa khan hiếm, thị trường rối loạn. Tình thế cấp bách, đoàn cán bộ tỉnh Phongsaly phải đi bộ sang Điện Biên nhờ thông tuyến. Là doanh nghiệp đầu đàn có năng lực số một của tỉnh, ông Thản được tỉnh chọn giao nhiệm vụ thông tuyến giúp bạn Lào trong vòng 30 ngày. Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi. Nhưng ông Thản nghĩ: “Có khó họ mới nhờ mình”. Vậy là ông nhận lời và kéo quân sang bên đó. Trước khi xuất quân, ông quán triệt với các cộng sự rằng: “Ta đã được chọn thầu, việc rất khó! Phải tổ chức thi công tốt để vừa có doanh thu vừa có uy tín cho các công trình tiếp theo”. Có thể nói đây là phương châm đầu tiên, nhưng tôi nghĩ có thể là Slogan của ông chủ Tập đoàn Mường Thanh sau này.

Sau khi thành lập Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu (Nay đổi tên là Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên), ông Thản đã huy động toàn lực của mình gồm hơn chục xe ủi, 5 xe xúc, hàng trăm cán bộ kỹ thuật và lao động tay nghề, đủ sức khỏe và kỷ luật vào chiến dịch này. Với tinh thần quyết tâm, ông đôn đốc quân sỹ làm cấp tập 3 ca/ngày, theo tinh thần của chiến sỹ Điện Biên năm xưa: “Khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” trong cái thiếu thốn ở chốn rừng sâu, cùng với những sáng tạo trong thi công chỉ sau 15 ngày, toàn tuyến Mường khoa – cửa khẩu đã được thông xe.

Ngày đó, tỉnh trưởng Mạy En vui mừng bắt tay bạn nói hùng hồn “Cám ơn bạn, bạn đã làm đẹp cho tôi và hứa sẽ bàn với các cơ quan chức năng khác tiếp tục mời anh sang thi công tiếp một số công trình trụ sở làm việc tại thị xã Phongsaly nữa”.

Cũng từ sự tín nhiệm này, tỉnh trưởng Phongsaly đã giao tiếp cho anh Thản thông tuyến 109km Bản Rọ –  Bun Nưa, rồi giao mở mới đường Mường-Xẳm Phằn 52km, Xây mới cửa khẩu Xốp- Hùn, Xây mới trụ sở Tỉnh phongsaly, Làm 70km đường Cấp phối cộng công trình thoát nước từ  Mường khoa- cửa khẩu Tây trang… Công trình nào được giao, ông cũng làm với sự thần tốc,  chất lượng đảm bảo khiến nước bạn Lào rất hài lòng.

Trong suốt 3 năm điều động ½ lực lượng thi công vào nước bạn Lào, Lê Thanh Thản đã gặt hái được nhiều thành công, để lại những công trình đầy ấn tượng tốt đẹp.

Có thể nói, Lê Thanh Thản đã có nhiều năm chung sống với cái nghèo, thấu hiểu nỗi khổ của đói nghèo và đã tuyên chiến với nó. Như một người lính thực thụ, để chiến thắng cái nghèo, không cách nào khác ông phải hết mình. Ông đã sống và chiến đấu với đói nghèo như vậy, từng ngày, từng giờ không một phút ngơi nghỉ. Trước hết là xóa nghèo cho bản thân, sau đó là xóa nghèo cho bà con làng xóm, anh em, bạn bè. Nếu không hiểu, không suy ngẫm kỹ điều này sẽ khó lý giải được sự nghiệp đồ sộ mà ông đã tạo dựng được cho gia đình, cho bạn bè và xã hội.

Khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập vào năm 1997 tại thành phố Điện Biên lịch sử. Từ đấy đến nay những khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước. Với những bước phát triển “thần tốc”, mỗi năm đều có những khách sạn mới ra đời không chỉ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng và cả những địa phương khác. Tính đến nay, có 53 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao trải dài trên khắp cả nước mang những nét đẹp truyền thống, tinh hoa văn hóa Việt luôn là ấn tượng đáng nhớ với bất cứ du khách nào dù chỉ một lần ghé qua khách sạn Mường Thanh.

Nhưng gặp chúng tôi, ông dường như không nói về chuyện làm ăn, ông chỉ tâm sự đời lính và đọc thơ. Thơ ông tất nhiên là chưa hay, nhưng tiếng lòng trong thơ thì khiến chúng tôi xúc động. Có lần ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ làm từ hồi làm lính chiến đấu tại Quảng Trị:

Căn hầm nhỏ đọng đầy kỷ niệm
Biết không em anh nghĩ về quá khứ
Của đời ta làm lính xa nhà
Cọng rau rừng nhạt muối vơi cơm
Và mùa đông về rét ngọt làn da
Không chăn đắp truyền nhau hơi ấm
Nằm ôm nhau cho ngày tháng xoay vần
Anh nhớ lắm những ngày chốt điểm
Thiếu đủ điều chỉ dư lửa chiến tranh
Thèm khói thuốc anh bò ra đất chết
Nhặt từ đâu những lá rau rừng
Cũng đốt lên phì phèo nhả khói…
Ta đã sống những ngày ta làm lính
Đau thương nhiều hơn cả thời gian
Anh không muốn dài dòng kể lể
Để em thương và nhớ đừng quên
Để mai đây trên ruộng đồng nắng ấm
Càng yêu thêm huyền thoại làm người

Là người từ xứ Nghệ ra đi, ông Thản luôn đau đáu về quê hương, nhất là quê hương Diễn Lâm và huyện Diễn Châu. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 1390 huyện Diễn Châu, ông đã rút hầu bao ủng hộ huyện 500 triệu đồng. Hiện Diễn Châu có 2 khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 5 sao, hệ thống biệt thự cao cấp tại quả núi quê Diễn Lâm cùng với khu sinh thái nuôi động vật quý hiếm, nơi trước đây Bí thư Đoàn xã Lê Thanh Thản đã từng đào mương, trồng đồi trọc 45 năm trước.

Ông Thản cũng đã đầu tư trị giá hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục công trình phúc lợi như hạ tầng giao thông nông thôn, lưới điện, bệnh viện Phủ Diễn, trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, Nhà tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên ở xã Diễn Yên, chùa ở Khu sinh thái Diễn Lâm và hỗ trợ huyện Diễn Châu trong nhiều hoạt động khác… Đối với người xứ Nghệ tha phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay ở Hà Nội, bao giờ ông Thản cũng dành cho họ một sự ưu ái hay giúp đỡ nào đó tùy thuộc và tình thân hữu.

Là Chủ tịch tập đoàn hoạt động rộng khắp trên cả nước và ở cả ở nước bạn Lào, ông Lê Thanh Thản đã tuyển dụng rất nhiều con em tỉnh nhà vào làm việc.

Từ làng của huyện Diễn Châu quê tôi ra đi, doanh nhân Lê Thanh Thản xấp xỉ tuổi 70 và  doanh nhân nhân trẻ Nguyễn Đức Chi là như thế. Họ không chỉ làm giàu, quan trọng nhất là họ là người có tâm, và ao ước được cống hiến trong cuộc đời này.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
Đại tá, Giám đốc – TBT NXB Công an Nhân dân

Leave Comments

0968 144 114
0968144114