NGUYỄN KHẮC TRẠCH (1797 – 1884)
Nguyễn Khắc Trạch tự là An Phủ, hiệu Nhuế Xuyên, quê quán làng Bình Hồ, huyện Đông An, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi).
Ông đỗ cử nhân khoa Ất Dậu năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Ban đầu làm Tri huyện Yên Lạc (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), rồi Tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình), Tri phủ Tĩnh Gia (Thanh Hoá), về kinh đô Huế làm Viên ngoại lang bộ Hình, Lang trung bộ Hình, ra làm Án sát tỉnh Hải Dương, Án sát tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1849, ông vào làm Bố chính tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), hai năm sau về Hộ lý tuần phủ Định Tường (tương ứng phần đất các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp), rồi Tuần phủ Vĩnh Long (tương ứng phần đất các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre). Năm 1855, ông trở về Huế làm Hàn lâm Trực học sĩ. Do vậy đương thời cũng như sau này trong gia tộc gọi ông là “Cụ Trực”.
Như vậy, Nguyễn Khắc Trạch về đường sĩ hoạn trước sau là quan chức hành chính nhưng tư cách thanh liêm, trong sạch. Tới năm đã ngoài sáu chục tuổi mà triều đình vẫn giữ ông tại chức. Mãi đến năm 67 tuổi (1864), ông mấy lần dâng sớ, vua Tự Đức mới cho ông về trí sĩ. Tính theo dương lịch, ông thọ tới 88 tuổi, mất ngày 22 tháng 6 năm Giáp Tuất (1884). Trong hai chục năm nghỉ hưu, thỉnh thoảng vua vẫn nhớ và ban cho tặng vật. Trong thời gian làm các chức quan cai trị, ông rất lưu ý đến việc giáo dục, khuyến khích học hành. Trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện (mục Truyện các quan – Bản dịch của NXB Thuận Hoá – 1993 – tr 97) có ghi về ông: “Trạch đi đến đâu cũng thích khuyến dạy các sĩ tử. Các học trò tài vào bậc nào thành đạt vào bậc ấy, học tập thường đến vài trăm người”.
Rõ ràng ông có sự quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo nhân tài. Điều này hoàn toàn phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thời đại ông, nếu ta nhớ lại rằng vào cuối đời làm quan của ông là thời kỳ đầy biến động trong lịch sử nước nhà. Năm 1858, quân Pháp gây sự ở cửa biển Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, sau đó rút vào Nam đánh phá Sài Gòn. Năm 1863, chúng chiếm xong 3 tỉnh Đông Nam Bộ, năm 1864, chúng hoàn thành đánh chiếm toàn thể Nam bộ. Năm 1873, chúng tấn công Hà Nội lần thứ nhất.
Trước nạn nước bị giặc Pháp xâm lược, nhân dân hai miền đã đứng dậy kháng chiến. Nhiều tấm gương anh dũng như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Tri Phương làm sáng danh kẻ sĩ hai miền.
Tấm lòng quý trọng hiền tài của ông thể hiện rõ trong bài văn khóc Nguyễn Tri Phương. Ta đều biết Nguyễn Tri Phương là một danh tướng đương thời. Ông từng tổ chức kháng chiến ở Nam bộ ngay từ những năm 1859. Năm 1872, ông ra coi giữ thành Hà Nội và năm sau bị trọng thương giữa lúc chỉ huy tác chiến và ông đã tự vẫn khi lọt vào tay giặc Pháp. Kẻ sĩ cả nước có nhiều bài văn khóc ông. Bài của Nguyễn Khắc Trạch có những câu cảm phục như “Cách đây không lâu giặc Tây dương gây biến, cõi đông (Nam bộ) bị cắt chia, (ông) đảm đương giữ muôn dặm thành dài. Năm trước giặc Tây lại đến Hà Nội (ông) là người làm tướng ở xa triều đình đã lấy lợi ích của xã tắc làm trách nhiệm”. Đặc biệt tác giả đã đề cao khí tiết và công ơn của Nguyễn Tri Phương bằng một hình tượng khá độc đáo: “Đá núi Nùng chính là tấm bia truỵ lệ chi bi”. Câu này lấy điển tích thời Tây Tấn (Trung Quốc) có Dương Hữu làm quan ở Tương Dương, phẩm chất tốt lành, dân coi như cha mẹ. Vì ông hay lên núi Nghiêu Sơn chơi nên sau khi ông mất, dân lập bia kỷ niệm ở đó. Người đi qua trông thấy bia ai cũng nhỏ nước mắt, nên gọi là bia truỵ lệ.
Về văn chương của Nguyễn Khắc Trạch, ông để lại trên một chục tác phẩm với hàng nghìn bài thơ và trăm bài văn. Đó là các tập: Nhuế Xuyên bạch bút thi tập, Nhuế Xuyên tập, Nhuế Xuyên thi tập, Nhuế Xuyên văn tập, Nhuế Xuyên thặng bút thi tập, Nhuế Xuyên trướng tập, Nhuế Xuyên tùy bút tập… Nói chung các bài văn chủ yếu là các bài phú, thư gửi bạn bè, các bài văn tế bằng hữu, các bài ký về các cuộc du ngoạn hay về các thắng cảnh đất nước. Các bài thơ cũng nhiều loại: thơ thù tạc, xướng vịnh, tỏ chí, tả cảnh, tả tình, vịnh sử. Tất cả đều mang một tinh thần chung là yêu đất nước, trọng người dân, ca ngợi tín nghĩa, thuỷ chung.
Khi ông qua đời, nhà yêu nước Tôn Thất Thuyết có câu đối viếng:
Cố đại vô song, cộng đạo Phiên An di cựu khách.
Tiên sinh hà khứ, trùng khan Hàm Tử chính đương niên.
Tạm dịch:
Đất cũ không quên những tưởng cùng đương đến Phiên An còn lại khách cũ.
Tiên sinh về đâu, xem sao được nữa trận Hàm Tử diễn lại ngay trong năm nay.
Dưới đây xin trích một bài thơ trong tập Nhuế Xuyên bạch bút thi tập để có thể sơ bộ thấy được tâm hồn và tài tình của ông Trạch:
Vọng phu thạch
Độc lập sơn đầu đệ nhất phong
Chu điêu phấn tạ vị thuỳ dung
ÂAm thư cửu đoạn hà nhân xứ
Sơn hải tầm minh lộ kỷ trùng
Huyết lệ yên hà minh nguyệt thấp
Hương hồn vân toả lục đài phong
Thiên hoang địa lão tình do tạc
Dạ dạ cổ tàn bích động trung.
Dịch:
Hòn vọng phu
Đứng riêng một ngọn núi cao
Dung nhan lạnh lẽo má đào hồn ai?
Bao năm âm tín bạt hoài
Lời thề non nước dặm dài còn mong
Trăng soi huyết lệ dòng dòng
Hương hồn mây toả bao vòng rêu xanh
Trời hoang đất cũ ân tình
Trống đêm động biếc thập thình tàn canh.
(Theo Hồng Thanh)