Khảo sát khu di tích lịch sử rừng cấm giếng mỏ nơi an táng 2 vị tướng họ Bùi ở hiền quan tam nông phú thọ

LỊCH SỬ KHU DI TÍCH RỪNG CẤM-GIẾNG MỎ LỊCH SỬ KHU DI TÍCH RỪNG CẤM-GIẾNG MỎ VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA HAI BÀ TRƯNG

Ông Bùi Phúc Khánh Trưởng ban LLHBPT Song Quan Trang ngày xưa là Hiền Quan ngày nay với phát tích của nhiều thần tướng được chính sử ghi nhận từ thời Hùng Duệ Vương cho tới triều nhà Đinh sau này. Nổi bật là Đông Cung Thiều Hoa Công Chúa, một nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, vốn xuất thân đi tu tại chùa Phúc Khánh (Chùa này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia). Lịch sử kể lại rằng: Cùng với sự căm giận của người dân dưới thời cai trị vô cùng tàn ác của nhà Hán đô hộ nước ta, đứng đầu là Thái tú Tô Định, ý thức đánh đuổi giặc ngoại xâm đã lan trong cả nước, trong đó có Song Quan (Hiền Quan). Bà Thiều Hoa đã tuyển mộ đinh tráng tại làng và giao cho hai tướng họ Bùi (một trong 4 tộc họ lớn của làng lúc bấy giờ) là: Bùi Thạch Đa (anh) và Bùi Thạch Đê (em) chỉ huy tập luyện võ nghệ chờ thời cơ. Địa điểm được nghĩa quân chọn làm căn cứ đó là khu Rừng Cấm-Giếng Mỏ cách trung tâm xã hiện nay khoảng 3 km. Tại nơi đây có vị trí địa hình hết sức đặc biệt: một loạt các dải đồi hình cánh cung nhìn ra cánh đồng chiêm chũng, trước mặt nổi lên các quả gò nhỏ hình dáng đặc biệt: Chính giữa là gò hình tam giác từ xa xưa cho tới nay dân địa phương vẫn đặt tên gọi là gò Mon Cờ, tay phải là gò hình dẹt gọi là Gò Chiêng, tay trái là gò hình chiếc trống trận gọi là Mom Trống, kế tiếp là quả gò tương đối bằng phẳng gọi là gò Mã, xa hơn gọi là gò Cung… dưới chân đồi chính có một giếng nước chảy liên tục kể cả mùa khô, nước trong vắt (cung cấp nước dùng cho quân sỹ) nhân dân gọi là Giếng Mỏ.

(Tương truyền trước đó có một tảng đá lớn bằng chiếc chiếu đôi, nhưng sau một đêm mưa lớn tảng đá biến mất, mọi người cho là vua Thủy Tề đã cho quân khiêng đi !? ). Vì là rừng cấm nên rất ít người qua lại, đảm bảo được bí mật, “Khu rừng Hạ Khê hoang vắng, giáp Châu Thanh Xuyên, cách Song Quan chỉ có 3 dặm đường là nơi ẩn mình tụ nghĩa” (Trích: Nguyễn Khắc Xương: Nữ tướng thời Trưng Vương-Truyện dã sử). Tại đây nghĩa quân được tập luyện võ nghệ để dâng cao được sức lực và ý trí chiến đấu, bà Thiều Hoa còn cho quân sỹ chia thành 2 phe (Giáp Thượng và Giáp Hạ) tranh cướp quả phết trên một bãi đất trống, ai cướp được quả phết ra ngoài phạm vi có cắm cờ là thắng cuộc, chính vì vậy ngày nay tại Hiền Quan còn có lễ hội kéo quân ném phết để diễn lại tích này. “ Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa cô lấy việc anh hùng trung nghĩa ấy làm hâm mộ vô cùng, liền đứng ra mộ tại làng cô ấy, lấy 500 lực sỹ đem về Hát Giang vào hầu bà Trưng Trắc, tình nguyện đem quân đến giúp bà dẹp giặc. Bà Trưng Trắc lấy làm bằng lòng lắm, liền ban khen và cảm tạ Hoàng Thiên giúp bà một sự rị thường như vậy. Bà phong cho cô (Thiều Hoa) làm đông cung tướng quân và sai cùng tả thị tướng quân Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê đi đánh giặc. Tô Định bại trận tẩu thoát đi mất. Sau chiến thắng đánh đuổi giặc Hán, hai bà lấy được 65 tỉnh, thành và lên ngôi vua (Kinh Kỳ đóng tại Lĩnh Nam-Mê Linh) bà Thiều Hoa xin vua cho được dẫn quân về lại Song Quan nuôi quân lập ấp, 2 tả tướng quân được phong chức Quận công, được cấp đất đặt tên là cánh đồng Bùi. “Ít lâu sau bà Thiều Hoa đã hóa tại khu đất hình con rùa gần bờ Sông Thao, dân sở tại đem sự tích tâu vào bộ, vua Trưng Vương liền hạ lệnh cho xã Hiền Quan lập một ngôi đền phụng sự bà và phong cho bà làm chức: Phụng vương Công Chúa” (Văn phòng chánh sứ Nickel soạn ngày 24/01/1928 và những phụ nữ huyền thoại. Trung tâm thông tin Hội LHPN Việt Nam). Như vậy bà Thiều Hoa đã mất trước khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, (năm 43 SCN) từ đây đội nghĩa quân lúc này do hai vị tướng quân họ Bùi lãnh đạo đóng tại Song Quan. Năm 42 (SCN) Mã Viện đem quân đánh chiếm lại nước ta, sau cuộc chiến ở Lãnh Bạc, hai bà rút về Cấm Khê chặn giặc (Một số tư liệu cho rằng Cấm Khê là huyện Cẩm Khê ngày nay). Tại đây đội quân của hai ông tướng công Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê đã sát cánh cùng các đạo quân khác của hai bà giao chiến đẫm máu với giặc nhà Hán, trong đó có nữ tướng Xuân Nương. Khởi nghĩa ở xã Hương Nha-Tam Nông, được phong: Đông cung Công Chúa, chức nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Tại Cấm Khê dựa vào phòng tuyến Sông Thao và địa thế đồi núi, quân ta đã giao chiến với quân Hán do Mã Viện chỉ huy. Song do tương quan lực lượng, thế giặc quá mạnh, hai bà phải rút về Hát Giang cố thủ, các dũng tướng người bị thương, người tử trận (Xuân Nương bị thương chạy về xã Nam Cường sau phải gieo mình xuống Sông Hồng tự vẫn tại Cổ Tuyết-Hương Nộn). Tương truyền bà lấy chồng là Thi Bằng em trai Thi Sách: chồng của Bà Trưng. Hiện có đền thờ tại xã Hương Nộn. (Tác giả Trần Hồng Đức, báo người cao tuổi 5/3/2008). Tương truyền hai ông tướng Bùi Thạch Đa – Bùi Thạch Đê đem quân bản bộ đánh chặn ở Cấm Khê rồi lui về phòng tuyến Sông Bứa, sau rút về căn cứ tại Khu Rừng Cấm – Giếng Mỏ để tổ chức cầm cự. Chính tại đây trong một trận tử chiến với quân Hán hai ông đã anh dũng hy sinh tại trận, đó là vào ngày 15/12/43 sau Công nguyên (hiện là ngày giỗ tổ họ Bùi ở Hiền Quan). Quân sỹ đã chôn hai ông tại khu đất đồi Giếng Mỏ. Mộ của 2 vị tướng Viễn Tổ họ Bùi được thờ cúng từ đó tới nay đã trải qua gần 2000 năm. Hàng ngàn năm nay, từ đời này qua đời khác như dòng chảy xuyên suốt của lịch sử, 9 chi họ Bùi ở Hiền Quan vẫn cứ đến ngày 15/12 Âm lịch hàng năm thành kính làm lễ giỗ tổ. * Các di tích liên quan trong cụm di tích: – Khu Rừng Cấm – Giếng Mỏ có hai ngôi mộ cổ nơi an nghỉ của hai vị tướng thời Hai Bà Trưng: Tả Thị tướng quân – Quận công Bùi Thạch Đa – Bùi Thạch Đê. – Đặc biệt có 2 câu đối tương truyền do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn ghi: “ Đức thụ thâm căn lưu thiên cổ Bùi tộc thanh hương kế vạn niên” Tạm dịch: “Cây đức rễ sâu truyền vạn thuở Họ Bùi tiếng tốt để muôn sau” – Một mỏ nước tạo thành giếng có nước chảy quanh năm dưới chân đồi, nơi lưu nhiều truyền thuyết về vua Thủy tề lấy đá, cũng là nguồn nước nuôi quân khởi nghĩa ngày xưa (Tên của giếng cũng được lấy đặt tên cho đồi gọi là đồi Giếng Mỏ). – Quần thể các gò đồi có hình dáng đặc biệt liên quan đến các binh khí trong trận mạc: Gò Mon Cờ, gò Trống, Gò chiêng, Đồi mã, Gò cung … các địa danh rừng cấm, cổng đồn …

– Về di tích văn hóa phi vật thể có lễ hội kéo quân, đánh phết ngày 12, 13 tháng giêng tại xã Hiền Quan. Căn cứ vào các tư liệu, tài liệu được ghi chép trong chính sử, cũng như các thông tin, truyền thuyết qua nhiều đời truyền lại, cùng với các di tích lịch sử liên quan tại xã Hiền Quan (chùa Phúc Khánh, đền thờ Công Chúa Thiều Hoa) và các vùng xung quanh. Đặc biệt là sự hiện diện ngôi mộ cổ của hai vị tướng quân họ Bùi đã có thể khẳng định: Khu vực Rừng Cấm – Giếng Mỏ là chứng nhân hùng hồn cho một thời kỳ lịch sử vô cùng vẻ vang của dân tộc trong cuộc chiến đấu anh dũng chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Nơi đây vừa là căn cứ địa vừa là tử địa của nghĩa quân. Căn cứ luật di sản văn hóa ngày 29/6/2001, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định số 4206/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Địa điểm lịch sử Rừng Cấm – Giếng Mỏ xã Hiền Quan – Huyện Tam Nông.

BLLHB Phú Thọ Bùi Phúc Khánh

Leave Comments

0968 144 114
0968144114